Site icon AE888

Chuyện mình

Chuyện mình - Ảnh 1.

Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Lớp lang cảm xúc của Sophie Trịnh, trưng bày hơn 20 tác phẩm chất liệu acrylic trên vải, đang diễn ra tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội (kéo dài đến 2/9). Báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương.

1. Chẳng cứ là vẽ phong cảnh, hoặc tĩnh vật, mà vẽ gì thì cũng là vẽ mình, tác phẩm chính là cái bản đồ tâm hồn mình. Nghệ thuật là nơi để người ta bộc lộ mình, để được là mình, để rũ bỏ xiêm y, son phấn, chỉ còn chính mình thôi. Đề tài khỏa thân cũng vậy, cho dù người mẫu trong tranh là cô A, anh B nào đó thì suy đến cùng cũng chính là mẫu mình, khỏa thân mình, là tự họa.

Khi ngắm nhìn những tác phẩm hội họa về đề tài khỏa thân của Sophie Trịnh tôi luôn nghĩ đến những điều nêu trên.

Tôi đang xem những bức tranh “tự họa” của cô. Khi người họa sĩ thể hiện đề tài nude (khỏa thân) tức là họ đang nghệ thuật hóa tình dục. Cũng như tục thờ sinh thực khí là tín ngưỡng hóa dục tính. Có lần, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói với tôi: “Trình bày tình dục là cửa tử của nghệ sĩ”. Đúng vậy, ranh giới của thanh và tục trong hội họa nude quá mong manh. Chỉ đẹp thì mất dục, chỉ dục thì phản đẹp. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương là tấm gương trong việc hài hòa tục và thanh trong nghệ thuật: “… Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông” – (Thiếu nữ ngủ ngày).

Làm sao vừa bộc lộ được nghệ thuật mà lại vẫn bộc lộ được tính dục. Tuy 2 nhưng cũng là 1 thôi. Dục tính cũng là nhân tính cũng là cá tính, tức là cá biệt, cá nhân, riêng biệt và nó chính là đích của nghệ thuật. Nghệ thuật thì không giả được, xem tranh thấy người là vậy. Tình dục cũng vậy. Trong tiểu thuyết Trở lại thiên đường,Elia Kazan bảo: “Trong tình dục và chỉ trong tình dục là lúc mà người ta không thể đóng kịch được, không giả được”.

Đề tài khỏa thân đã là một truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. Trên kẻ của đình Phùng có bức phù điêu tả cảnh một đôi trai gái đang tình tự; ở đình Đông Viên, Hà Tây (cũ) cũng có một bức phù điêu gần như tượng tròn khắc họa một người đàn ông đang đưa tay lên ngực người nữ. Trên kẻ hiên của đình Phù Lão, xã Đào Mỹ – huyện Lạng Giang, Bắc Giang chạm trổ cảnh một thiếu nữ cởi trần đang nằm ngủ. Và có lẽ duy nhất ở ngôi đình này có một bức phù điêu khác tả cảnh một đôi nam nữ đang ân ái. Rồi cảnh các thôn nữ đang tắm ở hồ sen, bên cạnh đó là một vị quan đang chọc ghẹo một cô gái khác ở đình Tiêu Chưởng, Vụ Bản, Nam Nà. Cảnh trai gái tình tự ở đình Hưng Lộc… Còn rất nhiều nơi nữa.

Có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp của tự nhiên, khỏa thân là tự nhiên, là đẹp.

2. Tất nhiên khỏa thân không chỉ là nó, đằng sau đó là tâm sự của nghệ sĩ. Mỗi người có một câu chuyện riêng.

Hãy nghe chia sẻ của Sophie Trịnh: “Trong cuộc sống hiện đại, con người dường như đang đối diện với sự cô đơn và cảm xúc phức tạp hơn bao giờ hết. Lớp lang cảm xúc- chủ đề mà mỗi người đều mang trong lòng, ẩn chứa những khao khát được thấu hiểu, yêu thương và quan tâm. Đây là những cảm xúc mãnh liệt, nhưng thường bị kìm nén, không thể thổ lộ, bởi chúng ta biết rằng, ngay cả khi nói ra cũng chẳng thể thay đổi được gì”.

Sophie Trịnh chia sẻ tiếp: “Có những cảm xúc không thể diễn đạt bằng lời, những nỗi niềm sâu kín bị đè nén suốt thời gian dài. Con người ta sợ rằng nếu bày tỏ, họ sẽ không được thấu hiểu, không ai có thể đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau của mình. Tình yêu, mong muốn cho đi và nhận lại yêu thương, trở thành một cuộc đấu tranh nội tâm không hồi kết. Nhiều khi, ngay cả trong mối quan hệ vợ chồng… người ta vẫn cảm thấy có một bức tường vô hình chắn ngang, khiến họ không thể chạm tới trái tim của đối phương. Điều này làm cho trái tim họ đau đớn, quằn quại, giằng xé tìm sự bình yên trong nội tâm”.

Không có những chuyện lòng riêng ấy thì bức tranh khỏa thân sẽ vô nghĩa. Sophie Trịnh đặt tên cho triển lãm là Lớp lang cảm xúc đã là có chuyện rồi, cảm xúc nào mà chả khởi từ một câu chuyện riêng tư của đời sống mình, được mất, vui buồn, thăng giáng hoặc hạnh phúc, bất hạnh… Bao giờ những muôn thuở ấy của cõi người nó chả đắp đổi cho nhau, cái này có vì cái kia có, là thế.

Phải vậy không mà Sophie Trịnh luôn đối lập những êm dịu, vờn tỉa, nhẹ nhõm, thanh thản, mỏng, nhạt với những lớp màu dày, tung tẩy, chảy, rơi, giọt (“Giọt giọt tháng năm rơi rũa đá tạo hình em” – thơ Chu Điền) bằng bút pháp phóng khoáng, mạnh, nhanh. Đối lập giữa hình – thầm thì với nền ào ạt của những “âm thanh cuồng nộ”.

Hơn 6 năm để chọn ra khoảng 20 tác phẩm là cẩn trọng, là kỹ lưỡng với mình, với nghề. Chúc Sophie Trịnh tiếp tục dấn thân, tiếp tục “khỏa thân” như những cô gái trong tranh, họ cởi bỏ, trút bỏ đi những cái vỏ hình thức để bộc lộ mình, để thẳng thắn, để trung thực, để cởi mở. Những điều đó cũng chính là để trở về, về với tự nhiên, không làm trò, không diễn, để về với mình, được là mình.

Exit mobile version