Site icon AE888

Khi cải lương ‘tiếp cận’ với AI và biến đổi gen

Khi cải lương 'tiếp cận' với AI và biến đổi gen - Ảnh 1.

Chọn đề tài rất thời sự là biến đổi gen và trí thông minh nhân tạo (AI), Cánh cửa khép hờ – vở diễn vừa ra mắt của Nhà hát Cải lương Việt Nam – là một thử nghiệm rất táo bạo, khi mang dáng dấp của một câu chuyện… khoa học viễn tưởng.

Cánh cửa khép hờ (kịch bản Hoàng Song Việt – Triệu Trung Kiên, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên) xoay quanh câu chuyện của một cặp vợ chồng, trong đó người chồng là Chủ tịch của một tập đoàn. Ông ta cho rằng, 20 năm tới phải có một lãnh đạo kiệt xuất thay thế mình quản lý tập đoàn nên đã bắt tay với một nhà khoa học để làm ra một đứa trẻ siêu nhân, thông minh đột biến. Câu chuyện cứ thế diễn ra cùng với nhiều yếu tố giả tưởng khác lần lượt được đưa vào vở diễn…

Ở đó, từng bước, khán giả được tiếp cận với những lời cảnh tỉnh về xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên thế giới. Và thông điệp được đưa ra: Những bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên – thay vì những tham vọng chạy theo lợi ích vị kỷ có thể làm biến đổi hệ cân bằng sinh thái

Nhìn chung, viêc chọn một đề tài có thiên hướng viễn tưởng – khi mở ra câu chuyện của cả một xã hội tương lai của 20 năm tới đầy cuốn hút – và nặng tính phản biện xã hội là điều hiếm gặp ở một thể loại kịch hát nặng về tự sự và trữ tình như cải lương.

Tuy nhiên, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống, kết hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình LED hiện đại…, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên đã cho thấy cách dẫn dắt câu chuyện khá chặt chẽ và vững tay để người xem theo kịp mạch chuyện. Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm, nhiều đoạn cải lương có bản phối rất hiện đại được lồng ghép, cộng cùng những hiệu ứng công nghệ bắt mắt để gây ấn tượng.

Vượt qua những câu chuyện uỷ mị, sướt mướt kiểu tình tay ba vốn in nặng trong định kiến của khán giả về sân khấu cải lương, các nghệ sĩ trong vở diễn đã đảm đương những nhân vật hoàn toàn khác với mô-tip nhân vật quen thuộc. Đó là những nhân vật của thời hiện đại, và hơn thế là những nhân vật của tương lai, của thời đại công nghệ trí tuệ nhân tạo của năm 2045.

“Với nghệ sĩ chúng tôi, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt. Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi tìm mọi cách để phát triển nó trong thời đại mới”, NSND Triệu Trung Kiên, nói. 

Như lời anh, dù có nhiều nghi ngờ nhưng phía Nhà hát vẫn đặt quyết tâm rất lớn để thực hiện vở diễn này, như một bước thăm dò cần thiết để đưa cải lương đến gần hơn với đời sống hôm nay, đặc biệt là với khán giả trẻ.

“Trong bối cảnh hôm nay, Cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ được nâng cao và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả. Có nghĩa, bên cạnh việc bảo tồn và duy trì các vở diễn kinh điển quen thuộc, chúng tôi bắt buộc phải tính tới việc khai thác tính thời đại, đề cập đến những vấn đề nóng hổi đương thời” – anh nói thêm – “Thực tế, hiện tại Nhà hát cũng đang duy trì một đoàn cải lương truyền thống gắn với những chuẩn mực cũ và một đoàn thử nghiệm với những cách tân để tìm thêm hướng đi mới cho cải lương”.

Bước đầu, những thử nghiệm của Cánh cửa khép hờ cũng đã nhận được những phản hồi tich cực từ khán giả. Xem vở, diễn viê nngười Mỹ Charlie Win chia sẻ: “Là người Mỹ, thường xuyên xem nhạc kịch Mỹ, tôi bất ngờ khi nghệ thuật truyền thống lại đề cập đến yếu tố viễn tưởng tưởng chừng chỉ có ở phim điện ảnh”. Trong khi đó, nhiều khán giả trẻ tỏ ra hào hứng khi vở diễn lồng ghép được nhiều yếu tố của đời sống, từ việc bắt trend đọc rap tới việc thử nghiệm một số điệu hát cũ trên nền nhạc hiện đại.

Exit mobile version