Site icon AE888

Tùng Dương nói “Đàn ông không cần khóc”

Tùng Dương nói "Đàn ông không cần khóc" - Ảnh 1.

Nếu có câu hỏi

MV Đàn ông không cần khóc giới thiệu trên kênh YouTube của Tùng Dương với 162 nghìn lượt đăng ký. Tính tới hôm qua, 23/9, MV thu hút được hơn 535 nghìn lượt xem, 31 nghìn lượt thích và hơn 500 bình luận. Đàn ông không cần khóc không hẳn là ca khúc dễ nghe nhưng lại rất đáng nghe.

Sản phẩm có nhiều “võ”

Người viết chú ý đến cái tên Đàn ông không cần khóc của ca khúc, nó khá thú vị. Vì nó”điều hướng” suy nghĩ của tôi đến câu hát cổ đã quen thuộc với người yêu văn chương và âm nhạc hơn 100 năm qua của cụ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859). Ấy là: “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/ Nợ tang bồng vay giả, giả vay/ Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí làm trai). Đời trai sinh ra là đã mang “nợ tang bồng” – tức nợ trời đất, nợ nước non, nợ những sứ mệnh cao cả -nên cũng phải thỏa sức tung hoành ngang dọc bốn phương. Rõ là những câu hát đầy khí phách mang tính tuyên ngôn về đàn ông. Nhưng đó là đàn ông của thời xưa, thời nay thì thế nào?

Nếu lấy Đàn ông không cần khóc làm “chuẩn” thời nay để so với thời xưa, thì thoạt nghe, có vẻ yếu đuối vì dẫu “không cần khóc” nhưng rõ ràng, đó vừa là lời khẳng định, vừa như một lời động viên! Xuyên suốt toàn bài, các từ khóa chính là các từ “đàn ông” và “khóc”. Nó cứ lặp đi lặp lại gần như ở mỗi câu trong bài: “Này, làm đàn ông không được khóc” hay “đàn ông ngại khóc”, “đàn ông không khóc”… Trong ca từ có một lần thừa nhận “đàn ông biết khóc là đàn ông biết yêu” và kết thúc bài thì khẳng định “đàn ông không cần khóc”.

Việc đưa từ “khóc” vào lời ca là một chủ ý, như phép so sánh để làm nổi bật nên khí chất đàn ông. Trong bài, dễ dàng tìm thấy những ca từ như thế này: “Này, người đàn ông như cây đa, bình tâm đứng ung dung giữa trời bao la”, “Tự với tay mình ra, góp bình an, giữ tình thương, trong lòng ta/ Họa vẽ lên trời cao, khắc mộng mơ, lấy niềm tin tô thành sao”, “lòng kiêu hãnh, tôn nghiêm, trách nhiệm, vác trên vai”, “Phải bước qua trầm luân, vững vàng hơn, vẫn bình tâm như thời gian/ Từ bão giông cuồng điên, đã luyện kim, đúc đồng nên thân đàn ông”.

Nói vui vậy thôi, viết được những ca từ những ý tứ như thế này, cho thấy tác giả có đọc và có biết đến khí chất đàn ông trong quan niệm xưa. Có thể, tác giả cũng đã biết đến khí phách đàn ông trong con mắt của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Trong khi, Antoine Lai- tác giả ca khúc Đàn ông không cần khóc -còn khá trẻ, sinh năm 1998, lại là người đang học tập và sinh sống tại Pháp. Tức là một người trẻ thế hệ Gen Z, đang sống trong lòng văn hóa phương Tây, nhưng có những suy nghĩ tư duy cổ điển Việt Nam và truyền tải nó vào đời sống hôm nay theo cách của mình. Người viết thấy, tác giả trẻ này cũng là một nhân vật thú vị! Và việc chọn hát tác phẩm của Antoine Lai phần nào cũng cho thấy con mắt tinh nghề của Tùng Dương.

Nếu “rơi” vào tay một ca sĩ khác khó hình dung nó sẽ như thế nào vì dường như Đàn ông không cần khóc được sáng tác dành cho Tùng Dương. Nó hợp với bản năng âm nhạc của anh. Vừa có chút gì đó ma mị, vừa chất trữ tình hiện hữu, lại cũng rất máu lửa, thậm chí có đoạn: “Vóc con người đứng ngang trời/ Chốn sa mạc, dẫu hoang tàn/ Dẫu mưa rào, kéo ngang đời ta/ Đàn ông không cần khóc!” đủ để Tùng Dương tự đốt cháy mình. Cho dù không được sáng tác theo kiểu dễ nghe, dễ nhớ nhưng ca khúc có chủ đề xuyên suốt, có giai điệu đẹp, có câu điệp khúc “cuốn”.

Không chỉ Antoine Lai hiểu giọng hát Tùng Dương, nhắc đến sản phẩm âm nhạc những năm gần đây của nam ca sĩ được mệnh danh divo của làng nhạc Việt không thể không nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng. Việc anh tiếp tục đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất âm nhạc trong Đàn ông không cần khóc cho thấy sản phẩm sẽ có một bản hòa âm “văn minh”, khai thác điểm mạnh trong giọng hát nội lực của Tùng Dương.

Nhìn vào những sản phẩm âm nhạc mới của Tùng Dương một vài năm gần đây và nhìn vào Đàn ông không cần khóc này có thể thấy nam ca sĩ đang đan xen giữa hát “đời” và hát những bài thể hiện được đúng sở trường của mình. Nói cách khác, Dương đang làm chủ cuộc chơi!

Nhiều đàn ông không khóc!

Ba tháng trước, Tùng Dương ra mắt MV Cánh chim phượng hoàng, ngợi ca hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Và giờ đây, Đàn ông không cần khócnhư một sự ngợi ca hình ảnh những người đàn ông. Vì thế 2 sản phẩm mới nối tiếp nhau này giống như một sự đối trọng, một “cặp phạm trù”, dù khác biệt nhưng không tách rời. Nó bổ sung những góc nhìn của Tùng Dương về nhân sinh quan mà anh gói nó vào trong dự án gọi tên là Đa vũ trụ.

Không chỉ có những lời ca, ngay cả những hình ảnh của MV Đàn ông không cần khóc cũng góp phần giúp Tùng Dương cùng ê-kíp thể hiện được thông điệp đàn ông không được khóc. Nếu như Cánh chim phượng hoàng có sự góp mặt của những người phụ nữ đẹp cả về hình thức và tâm hồn, đẹp trong cả cách họ xuất hiện và cống hiến cho cuộc sống thì vẫn trên tinh thần ngợi ca ấy, Đàn ông không cần khóc cũng xuất hiện những người đàn ông đẹp trong cách họ sống và cống hiến cho cuộc đời.

Dù cùng thể hiện tinh thần ngợi ca nhưng giữa 2 sản phẩm lại sử dụng những thủ pháp khác nhau. Chẳng hạn thay vì thần thoại hóa nhân vật thông qua phần hình ảnh như Cánh chim phượng hoàng, ở Đàn ông không cần khóc lại là những hình ảnh thật hơn với màu nền tối làm chủ đạo khiến cho hình ảnh những nhân vật hiện hữu trong đó như được nổi bật lên.

Có lẽ không ít khán giả xúc động khi thấy phần hình ảnh có sự xuất hiện của 2 cha con diễn viên Quốc Tuấn và Bôm. Khỏi phải nói về diễn xuất vì Quốc Tuấn vừa là một diễn viên vừa là một đạo diễn nổi tiếng đã quá quen thuộc với công chúng, nhưng thông qua sự xuất hiện của anh, khán giả còn hình dung ra được cả một câu chuyện về chính cuộc đời anh, về những tháng ngày anh đồng hành cùng người con trai, về những nghị lực của cả 2 bố con. Ở trong MV vị thế của Bôm đã khác, không chỉ là cậu con trai buộc phải vượt lên số phận. Người viết và cả khán giả đã coi Bôm như một nghệ sĩ dương cầm thực sự, tự tin với 10 ngón tay lướt trên những phím đàn. Bản thân Bôm cũng đã là một người đàn ông không cần khóc. Xem mà thấy vui cho Bôm, cho 2 bố con.

Cũng thông qua phần hình ảnh, người ta thấy có một chú hề (diễn viên Quang Tuấn thể hiện) vốn luôn mang lại cho đời niềm vui thông qua những tiếng cười nhưng thực tế chú hề lại xuất hiện đơn độc; một nam diễn viên múa (diễn viên Chiến Bùi thể hiện) vốn vóc dáng, đôi tay, đôi chân và sự vận động, uyển chuyển của cơ thể là điều quan trọng nhưng lại đang ngồi trên xe lăn; và hình ảnh một vận động viên thể hình chuyển giới nam (Tino Huỳnh)… Chắc tất cả đều đã trải qua nỗi đau, sóng gió và những uẩn khúc trong cuộc đời nhưng họ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, mạnh mẽ vì cuộc sống là vậy, không thể bỏ cuộc, không thể dừng bước. Và những hình ảnh này, người viết nghĩ, sẽ giúp cho những ai còn những phân vân, âu lo về số phận, những ai còn đang đứng trước những thử thách cuộc đời sẽ nhẹ lòng hơn, có thêm một niềm tin và vững bước hướng về phía trước.

Nghĩ rộng ra ngoài cuộc đời thì ai cũng có nỗi đau hay những sóng gió, thăng trầm. Bạn có, tôi có, Tùng Dương có, cả những nghệ sĩ góp mặt trong MV cùng ê-kíp thực hiện cũng có. Mỗi người mỗi kiểu riêng, thậm chí có người còn cùng lúc mang trong mình nhiều nỗi đau. Nhưng cuộc sống đâu có dừng lại nên Đàn ông không cần khóc mà chỉ “khóc ngược vào trái tim” rồi “bình minh tới ban màu sắc muôn nơi” và “mọi chuyện qua thôi”.

Produced by KAO Entertainment & Tung Duong Production

Music Composer: Antoine Lai

Music Producer: Nguyễn Hữu Vượng

Mix & Master: Magic T

Starring: Tùng Dương, NSƯT Quốc Tuấn & Bôm, Quang Tuấn, Chiến Bùi, Tino Huỳnh

Executive Producer: Nghĩa Kao, Jaydee Đạt Nguyễn

Scriptwriter: Tùng Dương, Ngân Thanh

Director: Nghĩa Kao, Ngân Thanh

Producer: Kún

Assistant to producer: Nguyễn Khánh Ngân, Lê Huy Tiến, Dương Gia Phúc, Khả Ái

A.D: Nguyễn Minh Đạt

D.O.P: Phan Phước Minh

Exit mobile version