“Viễn ca có thể hiểu là khúc ca trên một chặng hành trình rất xa xôi. Trong cách nghĩ của tôi, đời người là những chặng hành trình nối tiếp của một số phận. Và trên mỗi chặng hành trình ấy, tôi ghi lại những gì được chiêm nghiệm bằng cảm xúc và ngôn ngữ của thi ca” – nhà thơ Tiến Thanh cho biết.
1. Sáng 28/8, tại Hà Nội, buổi ra mắt tập thơ Viễn ca của Tiến Thanh diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo người thân, bạn văn và độc giả. Chương trình do NXB Văn học và Ban Văn học nghệ thuật VOV6 tổ chức.
Gồm 39 bài thơ, Viễn ca (NXB Văn học) là tập thơ thứ 3 của nhà thơ này, sau những Chiều không tên như vết mực giữa đời và Loạn bút hành, đều ra mắt từ 2021. Nhưng thực tế, khoảng cách sáng tác giữa Viễn ca và 2 tập thơ trước là gần 30 năm chứ không phải 3 năm. Bởi theo lời tác giả, những bài thơ trong 2 tập trước chủ yếu được anh sáng tác hoặc từ thời sinh viên, hoặc lấy cảm hứng trong giai đoạn “hậu sinh viên”.
Thực tế, từ giữa thập niên 1980, những bài thơ của Tiến Thanh đã được biết tới rất nhiều trong giới sinh viên Hà Nội, khi anh vốn là cái tên nổi bật của phong trào thơ tại khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đơn cử, bài thơ Loạn bút hành (viết năm 22 tuổi) của anh đã được nhiều thế hệ sinh viên chép tay và truyền nhau đọc tới thuộc lòng.
“Có những thứ chỉ sáng tạo được một lần trong đời. Bây giờ tôi muốn “loạn bút hành” cũng khó” – anh nói vui – “Ở tuổi tri thiên mệnh, đã nếm nhiều vị cay đắng của cuộc đời, chúng ta dù muốn cũng khó có thể trở lại thời xa xưa – thời gắn với những cảm xúc tinh khôi, ánh nhìn trong trẻo, ước mơ về chân trời mơ mộng và cả sự ngây thơ đến mức vĩ cuồng”.
Theo lời bạn văn chia sẻ, giọng thơ Tiến Thanh khi ấy say đắm tha thiết, ngôn ngữ lung linh ảo diệu với hồn cốt là chất lãng tử, làm người đọc bị cuốn theo không gian và cảm xúc của những câu thơ tài hoa. Để rồi, sau khi ra trường và bước vào làm báo, tác giả đã dừng làm thơ trong một khoảng thời gian rất dài.
Thành công trong nghề báo – cũng là một lĩnh vực của chữ nghĩa – nhưng như lời Tiến Thanh, đặc thù của những “quăng quật với đời” khiến anh dần không còn dành thời gian cho thi ca. Với cách so sánh của anh, hành trình viết lách của một đời người có thể chia thành nhiều chặng đường, nhiều cột mốc. Và đương nhiên, nhà thơ luôn sáng tác nhiều hơn ở những chặng đường gợi ra nhiều cảm xúc, nhiều chiêm nghiệm.
Để rồi, mãi tới vài năm gần đây, cảm xúc – và cả sự thúc giục từ bạn văn – đã đủ đưa Tiến Thành trở lại với những bài thơ mới.
“Tôi nhận ra rằng: Trong những phút bận rộn và mệt mỏi nhất, mình lại cần tới thi ca nhất. Rằng, làm thơ chính là một cách neo mình vào cuộc đời và cũng là một khoảng nghỉ để sống với nội tâm, sau những lúc quay cuồng với đời sống thường nhật” – anh kể – “Tất nhiên, trong hành trình cuộc sống, mỗi bước đi đều là một sự đổi mới. Thơ cũng vậy, sau khoảng 30 năm làm báo, sự tiếp nối của cảm xúc và liên tưởng trong thơ tôi đã khác trước rất nhiều”.
2. Sự khác trước trong phong cách thơ Tiến Thanh ở Viễn ca, nói như lời nhà phê bình văn học Hoài Nam, gắn với việc bớt đi của cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng khi xưa. Bù lại, tập thơ mới của anh có thêm sự giàu có về chiều sâu của suy tưởng, và độ khác lạ của ngôn ngữ.
Thực tế, tác giả không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn thiên về hơi hướng cổ điển – mà như lời anh thừa nhận, thể lục bát truyền thống vẫn là một trong những lựa chọn yêu thích của mình. Thế nhưng, đọc thơ Tiến Thanh, độc giả vẫn luôn cảm nhận được sự mới mẻ của một người không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình, không ngừng suy tưởng về những phương trời mới.
“Bằng liên tưởng và tưởng tượng, nhà thơ đã kết nối những sự vật, sự việc, tâm trạng đời thường, mang tính chất cá nhân hóa, với tất thảy những gì thuộc về phạm trù cái xa xôi, ảo diệu để làm nên thi ảnh lạ” – Hoài Nam nhận xét – “Thậm chí trong Viễn ca còn có những bài thơ mà chất triết lý nổi lên như là phẩm chất thứ nhất, và làm thành một Tiến Thanh khác hẳn”.
Khá thú vị, những nhận xét ấy khiến bè bạn nhắc tới một chia sẻ mà tác giả từng đăng trên trang cá nhân quanh câu hỏi: Thơ là gì? Tại đó, anh trả lời đại ý: Thơ không phải là kể chuyện, muốn kể chuyện hãy đi viết tiểu thuyết. Thơ không phải là triết lý, muốn triết lý hãy đi làm nhà tư tưởng. Và thơ cũng không phải là thuyết pháp, muốn thuyết pháp hãy đi làm giáo sĩ. Tóm lại, thơ chỉ là… thơ, là cảm xúc, là ngôn ngữ, nhịp điệu, là khả năng sáng tạo mở ra sự cảm thông chia sẻ giữa những tâm hồn người.
“Những thay đổi diễn ra ở tôi như một quy luật tự nhiên, khi tư duy và trải nghiệm thay đổi theo thời gian. Nhưng có lẽ, thơ tôi chỉ đổi khác về ngôn ngữ, vì tìm tòi hình thức nhưng luôn bất biến về hồn cốt” – tác giả nói – “Bởi tôi luôn mong thơ là tiếng nói của cảm xúc”.
Và, trong buổi ra mắt Viễn ca, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã đưa ra một liên tưởng thú vị về thơ Tiến Thanh. Ông nhắc tới những dòng sông chảy trên mặt đất, có thể khuất nẻo, thậm chí đi ngầm ở một đoạn quanh, để rồi lại hiện ra ở một không gian khác với những diện mạo mới.
“Có một thời gian, tôi tưởng rằng thơ ca đã rời bỏ Tiến Thanh, hoặc anh đã trở nên già cỗi ở một nơi nào đó trong lòng mình. Để rồi, đọc Viễn ca, độc giả có cảm giác rằng khoảng thời gian vắng mặt ấy là quãng thời gian tác giả tự chiêm nghiệm, tự thiền định, tự làm mới mình theo những chiều kích khác” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói – “Ở đó, khi hiển lộ, chúng ta gặp lại một Tiến Thanh ở tuổi trung niên vẫn lãng mạn, nhưng lại đậm thêm chất triết lý của đời sống bây giờ…”.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968, có hơn 20 năm làm báo, trải qua các chức vụ: Phó Ban biên tập báo Thanh niên; Phó Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội; Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật. Hiện, ông đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.