Toàn bộ các đội bóng ở V-League đều có nhà tài trợ áo đấu nhưng việc kinh doanh áo đấu lại chưa thể đem lại nguồn thu đáng kể cho chính CLB cũng như các nhà sản xuất trang phục.

“Cuộc chiến” tài trợ áo đấu…

V-League mùa giải 2024-25 đã chính thức khởi tranh. Cuộc đua sẽ dần tăng nhiệt theo từng vòng đấu nhưng trước khi trái bóng UVI 2.07 Terra bắt đầu lăn, một cuộc chạy đua đầy thú vị vừa kết thúc. Đó là cuộc đua trở thành nhà tài trợ áo đấu cho các đội bóng dự giải.

Kamito trở thành “nhà vô địch” về tài trợ trang phục khi thương hiệu này xuất hiện trên áo đấu của 5 CLB gồm Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương, Bình Định và Đà Nẵng trải dài từ Bắc vào Nam.

Ngôi á quân thuộc về Jogarbola đứng thứ 2 về lượng câu lạc bộ tài trợ sau Kamito. Thương hiệu đến từ Nhật Bản tài trợ áo đấu cho 3 CLB gồm Đông Á Thanh Hóa, TP.HCM, Hà Nội. Ngoài ra, Mitre (một thương hiệu cũng được phân phối bởi Động Lực cùng với Jogarbola) cũng xuất hiện trên áo đấu của Nam Định. Phần còn lại, Kelme gắn tên với Quảng Nam, Li-Ning tài trợ cho Viettel, Kappa tài trợ cho Hải Phòng và Grand Sport đồng hành cùng Hà Tĩnh.

Đáng chú ý, Kamito là thương hiệu duy nhất của Việt Nam trong số các nhà tài trợ áo đấu V-League mùa này, số còn lại đều đến từ nước ngoài như Jogarbola (Nhật Bản), Li-Ning (Trung Quốc), Grand Sport (Thái Lan), Kelme (Tây Ban Nha), Kappa (Italy), Mitre (Anh).

Riêng trang phục thi đấu của CLB Công an Hà Nội được thiết kế và sản xuất riêng bởi nhãn hàng được đăng ký bản quyền thương hiệu thuộc CLB bóng đá Công an Hà Nội, là thương hiệu đồng hành cùng đội bóng từ mùa giải này.

Thậm chí, kể cả đội ngũ trọng tài cũng được Jogarbola tài trợ trang phục khi tham gia điều hành giải với những bộ quần áo được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, chất liệu cao cấp và thiết kế mang phong cách hiện đại.

Như vậy có thể thấy, việc chiếm lĩnh “thị phần” trên áo đấu các CLB đang chơi tại V-League là mục tiêu theo đuổi của nhiều nhà sản xuất trang phục và trang thiết bị thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Hay nói một cách khác, các CLB cũng đang tạo ra sức hút nhất định với các nhãn hàng dù mục tiêu chuyên môn mà mỗi đội bóng theo đuổi ở giải đấu là khác nhau.

14/14 đội bóng có nhà tài trợ áo đấu, đây là tin đáng mừng trong bối cảnh việc tìm kiếm, huy động các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội của bóng đá Việt Nam gặp không ít khó khăn. Hình ảnh các đội bóng cũng được cải thiện, đẹp hơn trong mắt khán giả khi thi đấu hoặc tập luyện, quá đó giúp cải thiện cả hình ảnh của giải đấu số 1 sân cỏ nội.

Vui buồn quanh chiếc áo đấu tại V-League - Ảnh 1.

… nhưng mới chỉ để quảng bá thương hiệu

Có một “cuộc chiến” quanh chiếc áo đấu của mỗi đội bóng nhưng cũng có một thực tế không vui, đó là phần lớn các nhãn hàng cũng chỉ mới dừng lại ở mục đích quảng bá thương hiệu của mình qua hoạt động này, chứ không kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng từ việc bán áo đấu cho người hâm mộ.

Ông Tống Đức Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Midomax, đơn vị sở hữu thương hiệu Kamito và đang là nhà tài trợ áo đấu của 5 đội bóng chia sẻ, “thông qua hoạt động tài trợ, chúng tôi mong muốn được quảng bá rộng rãi về thương hiệu của mình và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, chứ không đặt nặng vấn đề về tăng trưởng doanh thu từ việc bán áo vì rất khó”.

Theo số liệu của ông Thuận cung cấp ngay ở mùa giải năm nay, số lượng áo đấu bán được cho người hâm mộ của 5 đội bóng mà Kamito đang tài trợ hiện chỉ vào khoảng 800 chiếc và với số này thì doanh thu không đáng kể. “Những năm trước, chúng tôi cũng tài trợ cho nhiều đội bóng có lực lượng CĐV đông đảo như Hoàng Anh Gia Lai hay Công An Hà Nội nhưng số lượng áo đấu bán được rất thấp. Ở mùa giải năm nay, Kamito mới sản xuất để bán cho CĐV theo đề nghị của chính họ nhưng số lượng cũng cực kỳ hạn chế”, ông Thuận nói.

Thống kê ông Thuận đưa ra các năm trước đây trong giai đoạn CLB Hoàng Anh Gia Lai gây sốt sân cỏ nội với thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…. cũng khá buồn, với 500 áo đấu mà Kamito bán được cho người hâm mộ. Điều này có vẻ rất khập khiễng so với sức hút của đội bóng phố Núi nhưng thực tế là như vậy.

Theo khẳng định của ông Thuận, các đơn vị tài trợ áo đấu cho các CLB ở V-League cũng không đặt vấn đề tăng trưởng doanh thu mà chỉ đơn thuần quảng bá thương hiệu khi việc mua áo đấu chính hãng trong hệ thống phân phối của đội bóng hay nhà sản xuất của người hâm mộ rất hạn chế và hầu như không có sự tăng trưởng, kể cả đối với những CLB có lượng người yêu thích lớn.

Từ câu chuyện này có thể lý giải, vì sao rất nhiều nhà tài trợ áo đấu trong nước và quốc tế cứ đến rồi lại chia tay các CLB sau mỗi năm. Việc quảng bá thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng luôn là mục tiêu mà các nhà sản xuất theo đuổi, nhưng rất khó để duy trì nếu như không tạo nên tác động tích cực hay chuyển biến về doanh thu. Và bên cạnh đó, còn là một nỗi lo khác từ thói quen của nhiều CĐV bóng đá hiện nay.

Vui buồn quanh chiếc áo đấu tại V-League - Ảnh 2.

“Hàng nhái” chiếm lĩnh thị trường áo đấu

Nếu đi một vòng quanh các địa điểm kinh doanh quần áo, trang thiết bị dụng cụ thể thao ở Hà Nội đều có thể dễ dàng mua một chiếc áo đấu của một câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia. Nhưng điều đặc biệt, những chiếc áo chính hãng của nhà sản xuất thường bị che khuất và lấn át bởi rất nhiều những trang phục tương tự về hình dáng, màu sắc được làm “nhái” có chất lượng và giá cả thấp hơn nhiều.

Nếu một chiếc áo đấu chính hãng hiện nay tùy theo thương hiệu có giá dao động phổ biến từ 300.000đ đến 4000.000đ/chiếc, thì một sản phẩm nhái có giá chỉ vào khoảng trên dưới 100.000đ, hoặc có thể thấp hơn tùy theo nhu cầu của người mua. Điều đáng nói là những sản phẩm này lại được bán ra với số lượng nhiều hơn rất nhiều lần so với những chiếc áo thật và lý giải vì sao thị trường áo đấu thực sự ảm đạm với những nhà sản xuất chính hãng.

Trong một bài viết từng được chia sẻ rộng rãi, ông Tống Đức Thuận cho biết, thị trường áo đấu ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khá sơ khai. Các CLB hầu như không bán được nhiều áo đấu, áo đấu xuất hiện trên khán đài chủ yếu là các sản phẩm hàng nhái, thậm chí chính những cổ động viên của đội bóng là người sản xuất hàng nhái với giá rất rẻ để bán cho cổ động viên khác kiếm lời. Đây cũng là vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam, khi người hâm mộ của đội bóng chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà quên đi rằng với mỗi chiếc áo họ mua từ đội bóng yêu thích sẽ góp một phần kinh phí để xây dựng đội bóng phát triển bền vững.

Áo đấu là một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn mang tới nguồn thu không nhỏ để các CLB tăng ngân sách hoạt động, lẫn những nhà sản xuất có cơ hội tăng trưởng về doanh thu qua đó đầu tư ngược lại cho đội bóng nói riêng hay thể thao nói chung.

Một sự kiện gần nhất mới được công bố, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) vừa quyết định chấm dứt hợp đồng với adidas và trao cơ hội cho Nike xuất hiện trên áo đấu của của đội tuyển quốc gia Đức trong giai đoạn 2027-2034. Dù DFB không công bố thỏa thuận mới có giá trị bao nhiêu song theo các hãng tin, Nike sẽ trả DFB 100 triệu euro (hơn 2.751 tỷ đồng) hàng năm trong giai đoạn 2027-2034.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng, nếu các đội bóng ở Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng ở thị trường áo đấu và khi những chiếc áo “hàng nhái” còn xuất hiện và lấn át hàng thật thì cũng đồng nghĩa với cơ hội phát triển của mỗi đội bóng sẽ bị thu hẹp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]